Tư vấn chuyên môn bài viết: BÁC SĨ NGUYỄN ĐẮC MINH
Giám đốc chuyên môn Hệ thống Nha khoa Flora
Ngôn ngữ giao tiếp: Tiếng Việt, Tiếng Anh
Đặt lịch hẹn Xem hồ sơSự xuất hiện của răng khôn mọc lệch, mọc ngầm… gây ra vô số phiền toái đến sức khỏe răng miệng lẫn tinh thần của người bệnh. Do đó, nhổ bỏ răng số 8 là việc cần thiết. Tuy nhiên sau khi nhổ răng khôn bao lâu thì lành? Nhổ răng số 8 bao lâu thì ăn cơm được? Câu trả lời sẽ được Nha khoa Flora bật mí qua bài viết này, cùng tham khảo bạn nhé!
I/ Nhổ răng khôn bao lâu thì lành?
Nhổ răng số 8 sau bao lâu thì lành? Nhổ răng khôn là một tiểu phẫu nha khoa phổ biến nhưng cũng có thể gây ra nhiều lo lắng cho bệnh nhân. Quá trình hồi phục sau khi nhổ răng khôn có thể kéo dài 1-2 tháng, với nhiều giai đoạn khác nhau.
1. Giai đoạn 1: 1-3 ngày đầu tiên
Đây là giai đoạn bạn có thể cảm thấy hơi đau khó chịu do thuốc tê hết tác dụng, sưng tấy và chảy máu nhẹ tại vị trí nhổ răng. Để giảm bớt những khó chịu này, bạn nên chườm đá lạnh, uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ và nghỉ ngơi đầy đủ. Nên ăn thức ăn mềm, nguội và tránh nhai kỹ ở bên nhổ răng.
2. Giai đoạn 2: 4-7 ngày sau
Cơn đau nhức sẽ dần giảm bớt, sưng tấy cũng bắt đầu thu hẹp. Tuy nhiên, bạn vẫn cần duy trì chế độ ăn mềm, dễ tiêu hóa và vệ sinh răng miệng cẩn thận. Nên dùng nước muối sinh lý để súc miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
3. Giai đoạn 3: 1-2 tuần sau
Lỗ hổng do nhổ răng khôn sẽ bắt đầu liền lại và nướu dần phục hồi. Bạn có thể ăn uống bình thường trở lại, nhưng vẫn nên tránh những thực phẩm dai cứng hoặc có thể làm rách nướu.
4. Giai đoạn 4: 1-2 tháng sau
Nhổ răng khôn bao lâu thì lành? Hàm răng của bạn đã hoàn toàn hồi phục và bạn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi khám nha khoa định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng và đảm bảo không có biến chứng nào xảy ra.
Lưu ý:
– Thời gian hồi phục sau khi nhổ răng khôn có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa và mức độ phức tạp của ca nhổ.
– Sau nhổ răng khôn sẽ có thể có một số triệu chứng thường gặp như: đau, chảy máu nhẹ, sưng nề,… Đây đều là những biểu hiện bình thường và giảm dần nên bạn đừng quá lo lắng.
– Tuy nhiên, nếu bạn thấy các triệu chứng bất thường như sốt cao, sưng tấy kéo dài; chảy máu nhiều hoặc đau nhức dữ dội… thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
II/ Nhổ răng khôn bao lâu thì hết sưng, đau?
Theo các chuyên gia nha khoa, sau 1 – 2 ngày đầu tiên nhổ răng khôn, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng răng số 8. Mức độ đau nhức có thể khác nhau tùy theo cơ địa và tình trạng răng của mỗi người. Một số trường hợp sức khỏe tốt có thể không cảm thấy đau nhức; hoặc chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau nhẹ để duy trì sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau 1 tuần nhổ răng khôn mà bạn vẫn cảm thấy đau nhức kéo dài, kèm theo sưng to, sốt hoặc sưng hạch; thì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng sau nhổ răng khôn. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Sưng tấy sau khi nhổ răng khôn là hiện tượng hoàn toàn bình thường do cơ thể phản ứng lại việc nướu răng bị tách ra bởi dụng cụ nha khoa để lấy răng. Mức độ sưng tấy sẽ phụ thuộc vào mức độ phức tạp của quá trình tiểu phẫu. Nướu thường sưng to nhất vào ngày thứ 2 – 3 sau nhổ và sẽ giảm dần trong vòng 1 tuần nếu không sử dụng thuốc giảm sưng.
Nhìn chung, cơn đau nhức sau nhổ răng số 8 sẽ giảm dần trong vòng 3 – 5 ngày. Hiện tượng sưng tấy có thể kéo dài lâu hơn, từ 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, nếu sau 2 tuần mà tình trạng sưng; đau vẫn không cải thiện hoặc có dấu hiệu tồi tệ hơn, bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra.
Xem nhiều:
III/ Yếu tố ảnh hưởng sự hồi phục sau nhổ răng khôn
Sở dĩ có nhiều người sau nhổ răng khôn vết thương hồi phục rất nhanh; nhưng cũng có một số trường hợp quá trình lành thương diễn ra chậm hơn đáng kể. Dưới đây là những yếu tố chi phối, bạn đọc có thể tham khảo:
1. Tình trạng răng trước khi nhổ:
– Răng khôn mọc thẳng, bình thường: Hồi phục nhanh hơn.
– Răng khôn mọc ngầm: Cần rạch nướu, thời gian hồi phục lâu hơn (ít nhất 10 ngày).
2. Cơ địa và sức khỏe bệnh nhân:
– Cơ địa tốt, khỏe mạnh: Hồi phục nhanh hơn.
– Cơ địa yếu: Hồi phục lâu hơn.
3. Chế độ vệ sinh và chăm sóc sau nhổ:
– Vệ sinh kỹ lưỡng, nhẹ nhàng: Hồi phục nhanh.
– Vệ sinh không đúng cách: Dễ nhiễm trùng, ảnh hưởng hồi phục.
4. Kỹ thuật và công nghệ nhổ răng:
– Sử dụng máy Piezotome: Ít tổn thương, hồi phục nhanh.
– Nhổ răng truyền thống: Nhiều tổn thương, hồi phục lâu.
5. Chuyên môn nha sĩ:
– Nha sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm: Hạn chế biến chứng, hồi phục nhanh.
– Nha sĩ ít kinh nghiệm: Dễ xảy ra sai sót, ảnh hưởng hồi phục.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng:
– Tuổi tác: Người trẻ thường hồi phục nhanh hơn.
– Bệnh lý nền: Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình lành thương.
– Thuốc sử dụng: Một số thuốc có thể làm chậm quá trình hồi phục.
IV/ Nhổ răng số 8 bao lâu thì ăn cơm được?
Thông thường, bạn cần khoảng 3 – 4 ngày để có thể ăn cơm được sau khi nhổ răng số 8. Tuy nhiên, thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tốc độ hồi phục của mỗi người.
Trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng số 8, bạn nên:
– Nên uống nước lọc, sữa hoặc các thức uống loãng khác. Tránh đồ uống có gas, caffein hoặc cồn vì có thể gây kích ứng vết thương.
– Tránh ăn thức ăn cứng, da để không làm vỡ cục máu đông trong ổ răng. Việc này có thể dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng.
– Nên ăn thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp hoặc thức ăn xay nhuyễn. Ưu tiên thức ăn nguội hoặc ấm để giảm nguy cơ chảy máu.
Xem thêm: Quy trình nhổ răng khôn
V/ Cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn
Chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vết thương và thúc đẩy quá trình hồi phục sau khi nhổ răng khôn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn nên biết:
– Hạn chế hút thuốc, uống nước bằng ống hút, khạc nhổ, xì mũi hoặc hắt hơi trong 1-3 ngày đầu tiên. Những hành động này có thể ảnh hưởng đến cục máu đông, dẫn đến chảy máu và cản trở quá trình lành thương.
– Tránh vận động nặng vì có thể gây chảy máu hoặc sưng tấy nhiều hơn. Nên ưu tiên nghỉ ngơi và thư giãn.
– Nên nhai thức ăn bằng bên miệng còn lại (bên không nhổ răng khôn) để giảm áp lực lên khu vực vừa nhổ răng, giúp vết thương mau lành.
– Tránh dùng lưỡi hoặc ngón tay chạm vào vị trí ổ răng để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
– Ngủ đủ giấc và kê cao đầu để giảm sưng tấy và hỗ trợ cầm máu.
Ngoài ra:
– Bạn nên uống thuốc theo chỉ dẫn của nha sĩ để giảm đau và chống viêm nhiễm.
– Chườm đá lạnh lên má bên ngoài khu vực nhổ răng để giảm sưng tấy hiệu quả.
– Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm sau 24 giờ để loại bỏ vi khuẩn.
– Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và tránh thức ăn cứng, dai, cay nóng trong vài ngày đầu tiên.
– Vệ sinh răng miệng cẩn thận nhưng nhẹ nhàng, tránh chải vào khu vực nhổ răng.
– Tái khám theo lịch hẹn để nha sĩ kiểm tra tình trạng hồi phục của vết thương.
VI/ Các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn tuy là thủ thuật phổ biến nhưng vẫn tiềm ẩn một số biến chứng nhất định. Hiểu rõ các biến chứng tiềm ẩn và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn có trải nghiệm hậu phẫu an toàn và thuận lợi hơn.
1. Nhiễm trùng
Đây là biến chứng phổ biến nhất sau nhổ răng khôn, thường do vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở. Biểu hiện của nhiễm trùng bao gồm:
– Đau nhức dữ dội, sưng tấy kéo dài;
– Sốt cao;
– Rỉ dịch màu vàng hoặc trắng từ ổ răng;
– Hôi miệng;
Cách phòng ngừa:
– Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng theo hướng dẫn của nha sĩ.
– Uống thuốc kháng sinh theo chỉ định.
– Tránh các thực phẩm cay nóng, cứng, dai (nhất là vài ngày đầu sau nhổ).
– Tránh khạc nhổ mạnh, hút thuốc lá hoặc sử dụng ống hút.
2. Khô ổ răng
Biến chứng này xảy ra khi cục máu đông trong ổ răng không hình thành hoặc bị tiêu hủy sớm; dẫn đến lộ ra phần xương và dây thần kinh. Triệu chứng bao gồm:
– Đau nhức dữ dội, dai dẳng;
– Hôi miệng;
– Cảm giác nhạy cảm khi chạm vào ổ răng;
Cách phòng ngừa:
– Tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau nhổ răng của nha sĩ.
– Tránh tác động mạnh lên ổ răng, ví dụ như khạc nhổ mạnh hoặc nhai thức ăn cứng.
– Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định.
3. Tổn thương dây thần kinh
Do vị trí gần các dây thần kinh quan trọng, nhổ răng khôn có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh; chẳng hạng như gây tê bì, châm chích hoặc mất cảm giác tạm thời ở môi, lưỡi, má hoặc cằm. Hầu hết các trường hợp này đều hồi phục tự nhiên sau vài tuần hoặc vài tháng nên bạn có thể an tâm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, tổn thương có thể vĩnh viễn.
Cách phòng ngừa:
– Lựa chọn nha sĩ có tay nghề cao và kinh nghiệm nhổ răng khôn.
– Cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe cho nha sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.
4. Gãy xương hàm
Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường xảy ra khi răng khôn có vị trí phức tạp hoặc bám dính chặt vào xương hàm. Gãy xương hàm có thể gây ra các triệu chứng như:
– Đau nhức dữ dội;
– Sưng tấy bầm tím;
– Khó há miệng;
– Mất cảm giác ở vùng bị ảnh hưởng;
Cách phòng ngừa:
– Chụp X-quang trước khi nhổ răng để đánh giá vị trí và tình trạng của răng khôn.
– Lựa chọn phương pháp nhổ răng phù hợp với từng trường hợp cụ thể và Bác sĩ tay nghề cao.
5. Chảy máu kéo dài
Chảy máu sau nhổ răng số 8 là triệu chứng bình thường trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, nếu chảy máu kéo dài hoặc quá nhiều thì bạn cần đến gặp nha sĩ ngay lập tức.
Cách phòng ngừa:
– Cắn chặt bông gòn tại vị trí nhổ răng trong 15-30 phút sau khi nhổ.
– Tránh vận động mạnh hoặc hoạt động gây tăng áp lực lên vùng miệng.
– Uống nhiều nước để tránh mất nước.
Trên đây là toàn bộ kiến thức Nha khoa Flora giải đáp cho thắc mắc nhổ răng khôn bao lâu thì lành? Bao lâu thì ăn cơm được? Để đặt hẹn thăm khám và chụp X- quang miễn phí, quý khách vui lòng liên hệ qua số Hotline: 028 7305 8999 hoặc Inbox qua Fanpage, Zalo, SMS để được hỗ trợ nhé.